Sốt đất Bình Ba: Giao dịch chớp nhoáng, người dân ngỡ ngàng
Cơn sốt đất chưa từng có xảy ra ở xã Bình Ba, huyện Châu Đức
Giá đất liên tục nhảy múa
Ngay sau khi có thông tin về việc Tập đoàn Vingroup đề xuất xin khảo sát thực hiện hai dự án quy mô hơn 800ha ở huyện Châu Đức thì cơn sốt đất xuất hiện tại xã Bình Ba, nơi được chọn để khảo sát dự án của Vingroup.
Chúng tôi có mặt ở Quốc lộ 56 đoạn chạy qua xã Bình Ba ngày 17/2, thời điểm mà theo người dân địa phương cơn sốt đất đã bắt đầu có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
“Chỉ cách đây vài ngày, cả trăm chiếc xe ô tô đậu chật kín đường. Người ở đâu đổ về mua đất đông như đi hội”, một người dân địa phương tên Thu cho biết.
Dù đã có chút “bình yên” hơn so với mấy ngày trước, nhưng theo ghi nhận thực tế của chúng tôi cơn sốt đất dường như vẫn còn âm ỉ. Nhiều nhóm người môi giới vẫn túc trực cả ngày dọc tuyến Quốc lộ 56 để sẵn sàng phục vụ người có nhu cầu. Nhiều chiếc xe ô tô mang biển số các tỉnh thành như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… vẫn tấp nập đến trao đổi tình hình mua bán đất đai. Trước một quán cà phê, hàng chục chiếc ô tô đậu kín, bên trong môi giới nhà đất và người mua bàn tán rôm rả.
Anh Huy, một người dân địa phương, cho biết bình thường anh chỉ ở nhà làm nông. Cơn sốt đất ập đến, thấy nhiều người nơi khác về hỏi mua đất nên anh kiêm thêm chức “môi giới”. Nhiệm vụ của anh là săn tìm những ai đang có nhu cầu bán đất, đặc biệt là đất mặt tiền Quốc lộ 56. Phần còn lại thì do khách hàng trực tiếp trao đổi với chủ đất. Giao dịch rất nhanh, mua xong rồi sẽ tìm người sang tay cho người khác chứ không “ôm hàng”.
Những giao dịch chớp nhoáng đã đẩy giá đất tại Bình Ba tăng đột biến chỉ trong vài ngày. Nếu như trước đây, đất mặt tiền quốc lộ 56 chỉ dao động quanh mức 200 – 250 triệu đồng/ một mét ngang thì nay đã chạm ngưỡng 550 – 600 triệu đồng/mét ngang.
Nhiều lô đất trong hẻm cũng có giá bán lên tới 200 – 250 triệu đồng/mét ngang dù trước đó chỉ ở mức vài chục đến hơn trăm triệu đồng/mét. Có trường hợp miếng đất nằm cách mặt tiền Quốc lộ 56 vài chục mét. Trước Tết chủ đất kêu bán 70 triệu đồng/mét ngang không ai mua, nhưng cơn sốt đất đã đẩy giá lên hơn 200 triệu đồng/mét ngang.
“Hiện nay cũng ngại mời chào, một phần vì đất bán không nhiều, phần nữa là giá hiện đã quá cao”, Huy nói.
Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi quan tâm, Huy cho biết có một miếng đất ngang 20 mét, dài 120 mét nằm mặt tiền Quốc lộ 56 đang có giá 520 triệu đồng/mét ngang. Một miếng khác ngang 10 mét, dài 65 mét hiện chủ đất ra giá 650 triệu đồng/mét ngang. Tuy nhiên, nếu trả giá 600 triệu đồng/mét thì khả năng chủ sẽ bán.
“Khách ở đây chủ yếu là mua rồi sang tay luôn. Có miếng kia sáng mua 14 tỉ thì chiều đã bán lại 18 tỉ”, Huy nói.
“Sốt ảo thôi, đất đâu mà bán”
Với những người dân ở xã Bình Ba, cơn sốt đất mấy ngày nay là sự kiện lần đầu tiên họ thấy trong đời.
Ông Hoàng (63 tuổi, người dân địa phương), cho biết từ nhỏ đến lớn ông chưa từng chứng kiến cơn sốt đất nào mà giá đất tăng theo ngày như vừa qua. Vùng đất Bình Ba trước giờ không có lợi thế gì quá nổi bật để khai thác du lịch hay công nghiệp. Người dân ở đây chủ yếu mưu sinh bằng nông nghiệp với cây điều và cao su. Do đó, việc giá đất tăng chớp nhoáng khiến những người dân như ông Hoàng không khỏi ngỡ ngàng.
“Tôi nghe nói có doanh nghiệp nào đó về xin làm dự án gì đó chứ không biết cụ thể ra sao. Chỉ thấy người ở đâu đổ về mua đất đông như kiến, rồi giá đất tăng dựng đứng rất khó tin”, ông Hoàng nói.
Chị Thảo, chủ một quán nước mía nhỏ mặt tiền đường Quốc lộ 56 chia sẻ, từ khi mở quán nước này, chưa bao giờ chị đắt khách như mấy ngày vừa qua. Từ sáng tới tối, khách ngồi chật kín quán. Chủ yếu là người ở nơi khách về mua đất.
“Họ toàn đi ô tô, nghe điện thoại trao đổi rồi toàn nói chuyện mua đất tiền tỉ, chục tỉ”, chị Thảo nói.
Theo nhiều người dân địa phương, dù giá đất tăng một cách chóng mặt song không nhiều người dân ở đây bán đất. Sốt đất chủ yếu là do những người mua đất hùa nhau thổi giá, đặt cọc rồi sang tay cho người khác chứ giao dịch thật rất ít.
“Tôi thấy có một miếng đất mà người này đặt cọc rồi lại sang tay cho nhiều người khác, cứ thế đẩy giá lên cao chứ giao dịch thật thì rất ít. Họ về đây mua đất tuy không phạm pháp gì nhưng cũng khiến người dân địa phương hoang mang, mất an ninh trật tự. Mấy ngày nay công an xã phải dẹp đường rồi phải đi từng cây cột điện để gỡ các bảng gián quảng cáo nhà đất”, ông Hoàng nói.
Trước cơn sốt đất bất thường khiến chính quyền huyện Châu Đức phải khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư cần cẩn trọng. Theo đó, việc Tập đoàn Vingroup xin khảo sát để xin đầu tư dự án ở xã Bình Ba chỉ đang ở dạng đề xuất, chưa có quyết định phê duyệt chính thức nào.
Ông Ngô Văn Luận, trưởng phòng Kinh tế hạ tầng UBND huyện Châu Đức, cho biết hầu như các giao dịch đất hiện nay chỉ thực hiện trên giấy tờ tay với nhau, có tính chất đầu cơ. Rất ít trường hợp giao dịch được thực hiện tại các phòng công chứng, văn phòng đất đai. Do đó, người dân và nhà đầu tư hết sức cẩn thận trước cơn sốt đất ảo hiện nay.